Từ hình ảnh dân gian đến tượng chuột sứ Phú Quý

Rate this post

 

 

 

Tiếng động cơ vang đều, nhịp nhàng trong nhà máy, cùng với đó, từng bức tượng linh vật cho năm 2020 ra lò. Ngắm chú chuột sứ được hoàn thiện tỉ mỉ đến từng đường nét, qua mức nhiệt 1.380 độ C càng được tôn lên vẻ sáng bóng, trang trí với vàng 24K, ông Lý Huy Sáng – Phó tổng giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long nở nụ cười hài lòng. Sản phẩm ông ấp ủ hơn một năm nay, cuối cùng đã hoàn thiện hình hài.

Chuột đứng đầu trong 12 con giáp, là loài quen thuộc với người Việt. Chuột vốn khôn ngoan, lanh lợi – ưu thế giúp tăng khả năng sinh tồn giữa tự nhiên. Loài vật này cũng trở thành đề tài cho các bức tranh dân gian, trong tự nhiên có lúc cắn đuôi nhau thể hiện sự đoàn kết.

Chuột còn có những biểu hiện được cho là điềm lành. Như vào mùa gặt mới, tiếng chuột kêu rúc rích khắp nơi, người nông dân lại như mở cờ trong bụng với niềm tin mùa màng sẽ bội thu, kho lúa vun đầy ắp. Những đặc tính ấy được khai thác để trở thành tên gọi cho 2 bức tượng linh vật năm nay của Minh Long: Phú và Quý.

Tượng Phú được tạo hình với tư thế ngồi, thân hướng về phía trước, đôi tai vểnh, vẻ mặt tươi vui, ánh mắt kiên định, thể hiện khí chất mạnh mẽ như một chàng trai; tay cầm vàng dâng về phía trước, mang ý nghĩa trao tài lộc, giàu có. Ngoài mẫu thông thường, chuột Phú còn có phiên bản khắc chữ hoặc logo trên áo của chuột để tăng tính độc đáo, một món quà gắn với dấu ấn cá nhân người nhận.

Chuột Quý có thế đứng đầu ngẩng cao, dáng vẻ kiều diễm của nữ giới, nét mặt hân hoan, miệng cười tươi tắn, đôi mắt sáng ngời. Hai tay cầm vàng, nâng niu trân trọng của quý (lộc trời cho).

Ở ánh nhìn đầu tiên, bức tượng dễ tạo nên nét thiện cảm và sự thích thú. Đây chính là sự cao tay của người nghệ nhân nhờ thủ pháp nhân cách hóa. “Con người vốn chỉ hiểu biết về con người. Khi một bức tượng được nhân cách hóa, ta mới có thể cảm nhận được tình cảm mà nó biểu lộ, tạo ra một mối liên kết giữa người mua và tác phẩm. Thêm nữa, chuột có thể không đẹp còn người lại luôn luôn đẹp”, ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long tâm đắc nói.

Cả hai đều mang dáng vẻ đài các, quý tướng; một cặp bạn thân với những đức tính tốt đẹp, mang đến sự may mắn, điềm lành. Bởi may mắn là yếu tố con người luôn cần đến, còn phú quý là điều họ ước ao. Mà cuộc sống, khi vẫn còn mơ ước và hướng tới điều tốt đẹp cho ngày mai, thì ta mới nhận thêm những điều thú vị trong cuộc sống để có mục tiêu phấn đấu.

Tiếp tục theo đuổi chủ đề sức khỏe, tượng sứ được tạo hình mập mạp, khỏe mạnh, thần thái tinh anh, nhắn nhủ đến mọi người rằng: điều quan trọng nhất trong cuộc sống chính là sức khỏe. Muốn phú quý đến tay, hãy rèn luyện thể chất.

Ở Minh Long, một sản phẩm mới được đưa ra, cần phải vượt qua rất nhiều vòng kiểm duyệt khắt khe. Hay nói cách khác, chỉ khi đạt 8 tấm văn bằng “4 không – 4 có” (không thời gian, biên giới, giới tính, tuổi tác; có văn hóa, nghệ thuật, phong cách riêng, có hồn) thì bức tượng ấy mới được cho là hoàn hảo với ông Lý Ngọc Minh.

Trước hết là không thời gian, hai bức tượng linh vật có nét đẹp hiện đại, phù hợp với trào lưu hiện nay nhưng cũng không lỗi thời nếu nhiều năm sau nhìn lại. Khi chọn được mẫu số chung cho tiêu chí đẹp thì ai nhìn vào cũng thấy thích, cũng cảm nhận được ý nghĩa bên trong, tức là đã vượt qua được biên giới, độ tuổi, tầng lớp. Chú chuột Phú là nam, nhưng có thể một số nữ giới lại chọn mua; nét kiều diễm của chuột Quý, có lúc lại tạo sự thích thú cho nam giới. Sản phẩm có giới tính nhưng giới tính của sự lựa chọn thì không hề tách bạch.

Nói về chữ “có”, tượng có văn hóa khi biểu lộ sự phú quý, ăn mặc lịch sự, văn minh. Nghệ thuật nằm ở ngôn ngữ tạo hình, lối diễn đạt ánh mắt, nụ cười. Cũng chính nét độc đáo không thể trộn lẫn của đồ sứ Minh Long làm nên phong cách cho tác phẩm. Tổng hợp tất cả, tạo nên cái hồn, là khi chú chuột này biết nói sự ấm no, giàu sang, cô chuột kia biết tự xưng mình thể hiện cho sự đài các, quý phái.

Nhưng hành trình để đạt được 8 tấm văn bằng ấy không hề dễ dàng. Bắt tay thực hiện từ tháng 8/2018, 4 tháng sau, thiết kế mới hoàn thiện. Ở phần nhìn, bức tượng sứ phải thể hiện được nét đẹp mỹ thuật, sự vui vẻ, hạnh phúc để chào đón năm mới. Cái khó khi lên ý tưởng, theo ông Lý Huy Sáng, là chú chuột mà chúng ta gặp thường ngày vốn không được sang trọng, đẹp đẽ. Vậy nên phạm vi tìm kiếm được mở rộng, anh khai thác nguồn cảm hứng cho tượng Phú từ chú chuột hamster, lấy nét mặt này kết hợp với thân hình mũm mĩm của loài thỏ, như quan niệm người xưa là đủ ăn, đủ mặc thì người mới phốp pháp, có da có thịt. Còn bức tượng Quý được cải tiến trên hình ảnh hoạt hình, được nhân hóa đậm nét hơn để phù hợp với nhiều gu thẩm mỹ.

Nhân hóa một con vật là quá trình nhiều khó khăn. Qua được bước đầu tiên – tìm kiếm hình ảnh mong muốn, ông Lý Huy Sáng tiến tới công đoạn thứ hai: lắp ráp các chi tiết để có thiết kế hoàn thiện. Vì các đường nét được lai tạo nên phần cơ học, dáng điệu phải tính toán để đạt tỷ lệ hài hòa, nhìn vào vẫn thấy chấp nhận được, không cải biến đến mức nhìn vào không ra. Điệu cười, ánh mắt được nhấn nhá tinh tế, toát lên sự vui vẻ. Đôi má phúng phính, như đứa trẻ bụ bẫm, cũng như đang nhai đồ ăn, thể hiện nét dễ thương, no đủ.

Để cá tính như một con người hiện rõ, bức tượng được khoác thêm chiếc áo yếm, chân đi đôi giày nhằm lồng ghép thêm linh hồn, sức sống. Hình dáng của chú chuột cũng phải được tính toán kỹ vì phần hông là một đường cong, bên trong rỗng, không có điểm tựa chịu lực. Tạo hình không khéo, độ dày không đủ, nhiệt độ không chính xác thì khi nung con chuột sẽ bị bẹp ra, biến dạng.

Nhân hóa thành công, giải quyết được bài toán vui vẻ, vế còn lại cần giải quyết là gửi gắm thông điệp tài lộc. Ông bà vốn nói, sướng như “chuột sa hũ nếp”, nên hai chú chuột sứ được thiết kế mô phỏng hình ảnh này. Bản phác họa đầu tiên, chú chuột thực sự được đứng trong túi tiền, nhưng phần tạo dáng quá phức tạp, chi phí cao nên được sửa lại thành mang theo bên mình một túi nặng trĩu những tiền vàng, hạt thóc, tay cầm thỏi vàng.

Những thứ đựng bên trong túi vàng cũng qua nhiều lần tinh chỉnh. Chiếc túi ban đầu có hình hài đơn giản, sau được thêm thắt chi tiết sợi dây thừng để tăng cảm giác chân thật.

Cứ như vậy, mỗi sản phẩm ra lò đều được đánh giá tổng quan về kỹ thuật, trang trí, sản xuất, chi phí, giá thành, truyền tải được thông điệp hay không… Chỗ nào khiếm khuyết ngay lập tức được bổ sung, chưa ổn thì cải tiến, qua ít nhất 6-7 mẫu thử, tượng chuột mới nhận được cái gật đầu của vị tổng công trình sư.

 

Cùng đi theo lối thiết kế hiện đại nhưng so với tượng heo sứ của năm 2019, độ phức tạp của linh vật cho 2020 tăng lên đến 40-50%. Điều này kéo theo việc giảm năng suất, tốn nhiều công sức, chi phí, phức tạp trong sản xuất.

Chuột sứ có độ nhân cách hóa cao hơn, nhiều chi tiết hơn nên việc tạo dáng khuôn phức tạp, nhiều công đoạn trang trí hơn. Để làm ra một sản phẩm sứ, khuôn là yếu tố vô cùng quan trọng và thường có hai dạng: khuôn một mảnh (chén, đĩa); khuôn nhiều mảnh. Như ở tượng chuột sứ, cần đến 7-8 mảnh khuôn.

Số lượng mảnh khuôn tỷ lệ thuận với độ khó trong sản xuất, đòi hỏi việc xử lý với kỹ thuật khéo léo. Quá trình lắp khuôn cũng tốn nhiều thời gian, khi tháo ra cũng phải tuân theo trình tự trước – sau, từ phần tay mới đi xuống đế, sai một bước sẽ làm hỏng sản phẩm, hư, sứt các bộ phận. Khuôn ráp lại để rót vật liệu vào, các khe ráp lúc gỡ ra sẽ để lại lằn trên bức tượng. Thế nên người sản xuất phải tính toán để kích thước chuẩn, độ hở khe nhỏ nhất, các đường lằn phải được đánh bóng, xử lý tỉ mỉ.

Trước đó, để lên được bộ khuôn này cũng cần một quá trình dày công nghiên cứu. Nhìn vào hình dáng của bức tượng, người làm khuôn phải phác thảo ra mình cần bao nhiêu miếng ráp, nguyên tắc là: càng ít miếng ráp thì hiệu quả sẽ càng tăng, hạ chi phí. Giảm số lượng xuống mức tối thiểu rồi, còn phải kèm thêm các tiêu chí: tháo gỡ sao cho dễ; đường ráp không nằm ở những chỗ lộ, mặt tiền vì sẽ xấu, xử lý khó mà phải giấu theo các đường kẽ.

Thế nên trong quá trình tạo hình, ngoài việc đảm bảo thẩm mỹ và các tiêu chí đề ra, ông Sáng còn phải cân nhắc đến hiệu quả trong sản xuất từ đó giản lược bớt một số chi tiết. Những yếu tố được lược bớt sẽ là không trọng yếu, không ảnh hưởng đến bố cục tổng thể, vẫn đảm bảo truyền tải được những thông điệp của nhà sản xuất về sức khỏe, hạnh phúc, tài lộc.

Con chuột có rất nhiều chi tiết, tất cả phải đảm bảo sự mượt mà để người nhìn cảm nhận được vẻ đẹp nhưng không quá phức tạp khi sản xuất. Như các đường uốn lượn không được gồ ghề cao quá vì khuôn khó sản xuất, hao mòn nhiều hơn. Khi trang trí, chỗ nào tô vàng chỗ nào không cũng cần cân nhắc, phải làm sao để nó sang trọng, đủ nhấn ở những điểm cần thiết mà không tạo cảm giác lạm dụng quá đáng.

Bức tượng có hai lối trang trí: dùng họa tiết hoặc màu sắc, mỗi trường phái lại sở hữu những cái khó riêng. Chú chuột khoác lớp áo được vẽ hoa văn xanh coban, bản thân các họa tiết này là một bức tranh riêng biệt, sau mới được dán lên và đem nung với kỹ thuật nung màu dưới men. Ở nhiệt độ cao, vật liệu sẽ bị biến đổi cấu trúc, màu sắc nhưng Minh Long đã nghiên cứu được kỹ thuật giúp men tan chảy cho vẻ ngoài bóng bẩy đồng thời nét vẽ dù mảnh mai đến đâu vẫn không bị rung nhòe mà giữ được sự rõ ràng, sinh động. Trước đó là được dán lên bề mặt men nhưng nung rồi lại thấy họa tiết như chìm sâu vào lớp men, mượt mà.

Công đoạn dán họa tiết lên tượng cũng không hề dễ dàng. Bề mặt của tượng không phải mặt phẳng mà gồ ghề, nhiều ngóc ngách, phải dán sao cho khít, đúng vị trí để không thiếu mà cũng chẳng dư. Kích thước của miếng dán cũng phải vừa vặn với tượng, uốn lượn theo từng đường nét để tránh việc rộng quá thì bề mặt không phẳng, tạo nếp, hư hoa văn còn khi sát quá, không đủ độ co giãn thì họa tiết sẽ đứt gãy. Chiếc áo họa tiết này đo một lần và áp cho tất cả sản phẩm nên bức tượng cũng phải đạt độ chuẩn trong kích thước.

Với các tượng trơn, người dùng có thể lựa chọn màu sắc theo phong thủy: trắng, đỏ, cam, đen, xanh hoặc màu hỏa biến. Mà “quán quân” trong đó là bức tượng màu trắng – niềm tự hào trong kỹ thuật chế tác của ông Lý Ngọc Minh. Màu trắng của Minh Long đặc biệt ở chỗ vừa trắng lại trong, bóng mịn màng như ngọc. Quá trình tạo ra nó cũng học hỏi từ tạo hóa, nung vật chất ở nhiệt độ cao để chúng tan chảy, hòa quyện với nhau. Vật liệu được chọn lọc kỹ lưỡng, vẫn là cao lanh nhưng không phải loại thông thường mà chọn ra thứ cao lanh tốt nhất từ rất nhiều vùng mỏ, cấu trúc và tinh thể bên trong đạt đến mức hoàn hảo. Rồi từ nguyên liệu này, Minh Long đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại để gia công, tinh luyện, tạo ra những vật chất có thể hòa quyện với nhau, nung ra thấy men với đất gần như không tách biệt, thống nhất như một thể.

“Suốt mấy chục năm nay, mỗi giờ, mỗi sáng, Minh Long đều học hỏi rồi thử nghiệm để phá được kỷ lục của chính mình trong cái màu, cái men. Thế nên cũng một màu trắng đó, tượng năm nay đã khác hẳn năm ngoái mà phải tinh ý và có nghề lắm mới phát hiện ra”, ông Lý Ngọc Minh nói.

Các màu khác như đỏ, cam, xanh được Minh Long dùng sắc tươi tắn, đậm đà mà không lòe loẹt, giảm bớt sức nóng để tránh dìm đi các đường nét tinh tế. Màu đen tuyền cũng rất khó tạo thành, chỉ sai sót một chút thôi là nó sẽ ngả xanh, vàng. Với tượng phủ vàng, nếu hạn chế cầm nắm, bụi bẩn thì có thể rất nhiều năm sau vẫn sáng bóng, không bị oxy hóa.

Mỗi sản phẩm ra lò, đều là tâm huyết, công sức của ông lẫn đội ngũ kế nhiệm. Không có công thức chuẩn cho thành công, “tấm lụa” của Minh Long được dệt nên mỗi ngày bằng tình yêu với đất, với men cùng sự bền bỉ ít ai có được.

Làm kinh doanh với tâm hồn của một nghệ nhân, kỳ vọng của ông Lý Ngọc Minh lẫn ông Lý Huy Sáng cho tượng sứ năm nay chưa bao giờ đặt ở doanh số. Mà niềm mong mỏi lớn nhất là mọi người có thể hiểu được thông điệp truyền tải bên trong về 2 chữ Phú – Quý, câu chúc sang giàu, hiện thực hóa mọi ước mơ. Từ cái hiểu đó dẫn đến sự yêu mến, trân trọng sản phẩm như một kỷ niệm, truyền tải đến bạn bè, đối tác và mọi người Việt.

Nội dung: Hoài Nhơn    |    Hình ảnh: Hữu Khoa    |    Video: Công Khang
Thiết kế: Hưng Trịnh    |    Kỹ thuật: Phương Thảo
Nguồn: https://vnexpress.net/

Tour liên quan

Thời gian:

Phương tiện:

Giá: Liên hệ

Thời gian:

Phương tiện:

Giá: Liên hệ

Thời gian:

Phương tiện:

Giá: Liên hệ